Ngày 15/4/2022, UBND tỉnh Nam Định tổ chức Hội nghị triển khai Tháng hành động vì An toàn thực phẩm với chủ đề “Tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng nông sản thực phẩm trong tình hình mới”.
Tham dự và chỉ đạo Hội nghị có đồng chí Trần Lê Đoài, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo liên ngành về VSATTP tỉnh và các thành viên Ban Chỉ đạo; lãnh đạo các sở, ngành liên quan.
Đồng chí Trần Lê Đoài, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo liên ngành về VSATTP tỉnh phát biểu chỉ đạo.
Trước đó ngày 06/3/2022, UBND tỉnh Nam Định ban hành Kế hoạch số 46/KH-UBND triển khai “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm (ATTP) năm 2022” đồng thời kiện toàn và ban hành quy chế hoạt động, phân công nhiệm vụ các thành viên của Ban chỉ đạo liên ngành VSATTP tỉnh.
Đồng chí Trần Huy Đoàn, Phó Giám đốc Sở Y tế trình bày Kế hoạch triển khai tháng hành động an toàn thực phẩm 2022
Tại Hội nghị, các đại biểu được nghe đồng chí Hoàng Tiến Cường, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP báo cáo kết quả thực hiện công tác bảo đảm an toàn thực phẩm năm 2021 và quý I năm 2022, đồng chí Trần Huy Đoàn, Phó Giám đốc sở Y tế báo cáo Kế hoạch triển khai “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm tỉnh năm 2022”.
Đồng chí Hoàng Tiến Cường, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP báo cáo tại hội nghị
Tham luận của các ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Công thương; Công An; Tài chính, Giáo dục và Đào tạo; Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh; Đài Phát thanh và Truyền hình…đã làm rõ thêm kết quả đạt được cũng như những khó khăn, thách thức trong công tác an toàn thực phẩm giai đoạn vừa qua. Mặc dù tỉnh tập trung cho phòng chống dịch Covid-19 nhưng hoạt động đảm bảo ATTP có hiệu quả, hạn chế sự cố và ngộ độc thực phẩm, giảm số vụ, số người mắc, không có người tử vong vì ngộ độc thực phẩm. Các mô hình kiểm soát ATTP của ngành Y tế, các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn của ngành Nông nghiệp…được duy trì và phát huy. Hoạt động truyền thông đa dạng các loại hình. Các ý kiến phát biểu đồng thời cũng đề xuất các giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trong tháng hành động và cả năm 2022 thích ứng với phòng chống dịch Covid-19 đặc biệt với ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngay trong tháng 5/2022 tỉnh Nam Định sẽ tổ chức Seagame 31…
Tham luận của các ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Công thương; Công An; Tài chính, Giáo dục và Đào tạo; Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh; Đài Phát thanh và Truyền hình
Kết luận Hội nghị, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đạt được trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm năm 2021 và tháng cao điểm Tết 2022 dù bị ảnh hưởng của dịch Covid 19, đồng thời chỉ rõ những điểm bất cập trong công tác đảm bảo ATTP, dẫn đến nguy cơ ngộ độc thực phẩm. Vẫn còn hạn chế trong công tác kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, cơ sở có vi phạm nhưng xử lý còn yếu, trách nhiệm tham gia giám sát hoạt động ATTP của một vài ngành chưa cao.
Thay mặt lãnh đạo UBND tỉnh, đồng chí Phó Chủ tịch yêu cầu các cấp chính quyền, các ngành, đoàn thể tập trung vào một số nhiệm vụ sau:
– Các huyện, các ngành ngoài việc thực hiện sự chỉ đạo của cấp trên cần chủ động triển khai công tác an toàn thực phẩm, cần chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện Tháng hành động vì ATTP năm 2022 phù hợp với điều kiện thực tế, đặc điểm của địa phương, đơn vị và tình hình dịch bệnh trên địa bàn. UBND tỉnh, các huyện, thành phố tổ chức hội nghị hoặc hình thức khác để phổ biến công tác triển khai Tháng hành động vì ATTP năm 2022.
– Làm tốt công tác tuyên truyền cho các nhóm đối tượng, đặc biệt chú trọng bữa ăn đông người như bếp ăn tập thể, đám hiếu, hỉ…thích ứng với phòng chống dịch Covid-19.
– Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho thành viên ban chỉ đạo tuyến huyện, xã và công chức xã quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm theo các chuyên đề về An toàn thực phẩm.
– Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm. Trong tháng hành động, tuyến tỉnh thành lập 3 đoàn thanh tra liên ngành của do các sở Y tế; Nông nghiệp Phát triển Nông thôn và Công Thương làm trưởng đoàn, tất cả 10 huyện, thành phố và 226 xã, phường, thị trấn thành lập đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm có nguy cơ cao, một số thực phẩm thiết yếu như thực phẩm tươi sống (rau, thịt, thủy sản, hải sản), rượu, thực phẩm chín ăn ngay … và quảng cáo thực phẩm. Các ngành cần tăng cường lấy mẫu sản phẩm thực phẩm để hậu kiểm. Xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm và kiên quyết công khai các cơ sở, cá nhân bị phạt vi phạm hành chính về ATTP trên các trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm cảnh cáo, răn đe, ngăn chặn các hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm trái pháp luật. Đối với bếp ăn tại các khu công nghiệp và trường học cần tăng cường kiểm soát bữa ăn để phòng ngừa ngộ độc thực phẩm tập thể và các bệnh truyền qua thực phẩm. Các ngành QLTT, Công an thực hiện kiểm tra chất cấm, chất thải, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc.
Trước đó, ngày 8/4/2022 Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Nam Định đã tổ chức giao ban quý II về công tác ATTP. Tham gia giao ban có lãnh đạo sở Y tế, Lãnh đạo Phòng Y tế, Trung tâm Y tế các huyện thành phố và các ngành liên quan. Nội dung giao ban tập trung vào triển khai có hiệu quả tháng hành động ATTP năm 2022, tháo gỡ những bất cập trong công tác quản lý nhà nước về ATTP ở tuyến cơ sở, phổ biến văn bản quy phạm pháp luật mới về ATTP, đặc biệt là nghị định 124/2021/NĐ-CP ngày 28/12/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 115/2018/NĐ-CP ngày 04/9/2018 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm.
Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Nam Định