LỰA CHỌN VÀ SỬ DỤNG THỰC PHẨM RAU CỦ QUẢ AN TOÀN

Rau củ quả là một trong những nguồn thực phẩm cung cấp dinh dưỡng thiết yếu hàng ngày cho cơ thể con người. Tuy nhiên, để giúp cơ thể khoẻ mạnh, chống lại các nguy cơ của bệnh tật, người tiêu dùng cần có những kiến thức và thông tin để lựa chọn và sử dụng rau, củ, quả an toàn cho bản thân và gia đình

Theo tổ chức Y tế Thế giới (WHO) mỗi người tiêu dùng nên sử dụng rau quả ít nhất 400 gram/ngày để có những lợi ích về sức khỏe và dinh dưỡng, đồng thời các chuyên gia dinh dưỡng cũng khuyến cáo rằng trong bữa ăn cần ít nhất 1 loại rau quả ăn sống như dưa leo, cà chua, salad …và nên ăn 2-3 loại rau quả ăn sống trong 1 bữa ăn.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam nên sử dụng nhiều loại rau củ quả trong bữa ăn, trong ngày, trong tuần để tránh ngộ độc vì ăn quá nhiều một loại rau mà còn đảm bảo đa dạng nhu cầu dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể.

Rau củ quả là loại sản phẩm chủ yếu cung cấp các chất: vitamin, khoáng chất và chất sơ nên đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường sức khỏe, tăng sức đề kháng cho cơ thể phòng chống bệnh tật như cung cấp chất xơ, chống táo bón thông qua cơ chế tăng nhu động ruột, thúc đẩy cơ thể hấp thu 3 nhóm thức ăn là đạm, béo và đường. Ngoài ra, các vitamin và khoáng chất cũng rất cần thiết cho sự phát triển của trẻ em góp phần phòng chống nhiều bệnh: nhiễm trùng, tim mạch và ức chế sự phát triển khối u ác tính.[1]

Để khẩu phần dinh dưỡng vừa đảm bảo an toàn thực phẩm vừa đảm bảo đầy đủ các dưỡng chất vitamin, chất xơ hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường sức đề kháng trong mùa dịch bệnh hiện nay, người tiêu dùng tham khảo các phương pháp sau để lựa chọn rau, củ, quả an toàn cho bản thân và gia đình:

– Lựa chọn rau theo mùa vụ: Theo Cục An toàn thực phẩm, mùa khô nguy cơ ô nhiễm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong rau sẽ cao hơn mùa mưa. Nên chọn rau vào vụ chính, là thời điểm cây trồng phát triển bình thường, ít bị sâu bệnh, dẫn đến số lần sử dụng thuốc bảo vệ thực và phân bón ít; ở vụ nghịch, để đạt năng suất cao phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón nhiều, do vậy rau, quả có thể có hàm lượng dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học vượt quá giới hạn cho phép.[2]

Rau chính vụ, cây sinh trưởng phát triển bình thường (Nguồn: internet)

– Đối với sản phẩm rau quả có bao gói: Nên chọn sản phẩm mà trên bao bì hoặc nhãn gắn trực tiếp vào từng sản phẩm tối thiểu phải có các thông tin của nhà sản xuất, nhà cung cấp1; Đối với sản phẩm không bao gói: Nên chọn sản phẩm còn tươi, nguyên cuống, không dập nát, không có những đốm màu lạ[3].

– Bằng mắt thường người tiêu dùng có thể chọn rau, của quả tươi theo các nhận biết sau:

+ Rau củ quả có màu xanh, tươi hoặc màu đặc trưng của từng giống, từng chủng loại cây trồng.

+ Thân cây, cuống lá cứng cáp không mềm, cầm trên tay thân cây tương đối thẳng.

+ Bề mặt thân cây không có nhớt (nếu có độ nhớt là do người bán đã lặt những lá thối bên ngoài – Lá thối tạo độ nhớt).

+ Đối với rau ăn lá: Không nên chọn những bó rau có màu xanh quá đậm, quá mướt, lá bóng mà nên chọn màu xanh nhạt, cây rau có vẻ bình thường.

– Đối với rau ăn quả hay trái cây tươi:

+ Chọn những quả không bị nứt, quả không thủng, không bị dập hay có mùi ủng thúi.

+ Nếu những quả có cành như nhãn, vải, nho… thì lõi cành bên trong có màu xanh [4].

Hạn chế mua sản phẩm gọt sẳn và xắt sẳn từ quả (xoài, cóc…) và củ (khoai tây, su su, cà rốt…), các sản phẩm này thường ngâm trong nước sau khi cắt (nếu nguồn nước ngâm không đảm bảo vệ sinh thì sẽ ảnh hưởng đến chất lượng của sản phẩm) [5]

Cách nhận biết cụ thể một số loại rau củ quả an toàn

STTCHỦNG LOẠI

CÁCH NHẬN BIẾT

1Rau ăn ngọn: rau lang, rau muống, đọt bầu bíKhông nên mua những bó rau có ngọn vươn ra quá dài, do dùng thuốc chất kích thích tăng trưởng quá liều và không đảm bảo thời gian cách ly.[1]Nếu mua về không sử dụng liền để ngày hôm sau ngọn rau sẽ vươn ra thêm một đoạn từ 5 – 10 cm.
2Rau cải: cải xanh, cải thảo…Khi mua nên bẻ ngang phần gốc, nếu thấy có nước từ thân tiết ra thì rau cải đã bị bón quá nhiều phân đạm, không đảm bảo thời gian cách ly, hàm lượng Nitrat trong rau còn rất cao. Nếu để quá 12 giờ thì dễ bị úng nâu đen, không nên mua.
3Rau muốngKhông nên mua những bó rau có cọng to hơn bình thường, rau giòn, lá màu xanh đen, nhìn nghiêng mặt trên của lá rau rất bóng và mướt, do sử dụng nhiều phân đạm hoặc phân bón lá. Khi nước luộc rau này nguội, nước sẽ biến thành màu xanh đen và có vẩn kết tủa đen; khi ăn xong, nếu tinh ý ta nhận thấy có vị chát.
4Rau bí (ngọn và lá của cây bí ngô)Không nên mua bó rau có ngọn dài, khoảng cách giữa các lóng xa nhau (ngọn vươn dài), tay cuống mập và ngắn, ít lông tơ, ngọn bí màu xanh nhạt, lá màu xanh đen…do bón thừa đạm hoặc nhiều phân bón lá và chưa đủ thời gian cách ly.
5Rau cầnKhi thấy thân rau to, ngó rau trắng ngần, rau nhanh bị héo thì không nên mua do sử dụng quá nhiều phân bón lá và có khả năng còn tồn dư dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Nếu để đến ngày hôm sau thì rau héo úa, thân khô tóp lại nhăn nheo, khi xào nấu lá rau biến màu xanh đen.
6Củ, quảKhông nên chọn những trái quá lớn, mà chọn những trái có kích thước vừa phải hoặc hơi nhỏ. Không chọn những trái da căng và có vết nứt dọc theo thân, những trái da xanh bóng.
7Các loại quả đậu (gồm đậu đũa, đậu cô ve, đậu Hà lan, đậu ván…)Không nên chọn những trái khi nhìn trái bóng nhẫy, ít lông tơ…

Để rau củ quả đảm bảo an toàn thực phẩm và vẫn cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng, người tiêu dùng lưu ý sơ chế, chế biến sản phẩm rau, củ, quả
như sau:

Việc trồng và chăm sóc rau củ quả không tránh khỏi bề mặt rau củ quả chứa nhiều vi khuẩn và nguy cơ tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật. Để giảm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cần rửa rau củ quả dưới vòi nước sạch và chảy mạnh để giảm tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong sản phẩm.

+ Rau xanh có bề mặt lá to: Rửa từng cọng, từng lá rau. Rửa từng bề mặt lá một cách nhẹ nhàng không nóng vội.

Rửa rau dưới vòi nước sạch (nguồn: internet)

+ Rau xanh có lá nhỏ: Rửa trong chậu với nước sạch nhiều lần. Sau đó rửa từng mớ nhỏ bằng nắm tay dưới vòi nước.

+ Quả tươi: Sau khi rửa dưới vòi nước sạch nhiều lần, dùng khăn giấy sạch để lau khô nhằm loại bỏ vi khuẩn còn lại, trước khi ăn nên gọt vỏ.

+ Ngắt bỏ phần đọt khi sử dụng rau ăn ngọn vì nơi này chứa nhiều thuốc bảo vệ thực vật;

+ Rau sống như tía tô, húng cây, húng quế, diếp cá…sau khi rửa sạch, ngâm rau trong nước muối pha loãng 5-10 phút. Để rau không mau hỏng, người tiêu dùng nên để rau trên rổ cho ráo nước hoặc dùng lồng quay chuyên dụng để quay cho thật ráo nước, sau đó cho rau vào túi nylon sạch và cho vào ngăn mát.

Làm ráo nước trên bề mặt rau để bảo quản rau được lâu không bị hỏng (Nguồn: internet)

Theo Cục An toàn thực phẩm, rau củ quả là 1 loại thực phẩm đặc biệt, cứ sau 1 ngày là rau xanh mất đi lượng lớn chất dinh dưỡng nhất định. Chính vì vậy, không nên “tích trữ” rau, củ, quả quá lâu trong tủ lạnh và nên ăn ngay sau khi vừa chế biến[6].

Để phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, mỗi người tiêu dùng phải chọn mua các sản phẩm từ những đơn vị sản xuất, kinh doanh có uy tín, có thương hiệu, có chứng nhận chất lượng sản phẩm như: VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ… Ngoài ra, nếu mua rau, củ quả tại truyền thống nên chọn các quầy bán không gần những khu vực có nguy cơ ô nhiễm cao (cống rãnh thoát nước thải, nơi chứa rác thải, gần nhà vệ sinh…)2. Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng phải lưu ý việc chế biến và sử dụng thực phẩm theo đúng nguyên tắc thực hành chế biến và sử dụng thực phẩm an toàn nhằm đảm bảo sức khỏe và an toàn khi sử dụng./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Cục An toàn thực phẩm. Chuyên gia hướng dẫn chọn rau củ quả an toàn. //vfa.gov.vn/kien-thuc/chuyen-gia-huong-dan-chon-rau-cu-qua-an-toan.html.
  2. Lựa chọn thực phẩm an toàn giữ gìn sức khỏe cho gia đình. ThS.Bs. Nguyễn Tiến Tuấn.//www.ninhthuan.gov.vn/chinhquyen/soyt
  3. Viện dinh dưỡng – Hướng dẫn người nội trợ cách lựa chọn thực phẩm an toàn. ThS. Lê Hồng Dũng. //viendinhduong.vn/vi/tin-tuc/huong-dan-nguoi-noi-tro-cach-lua-chon-thuc-pham-an-toan.html
  4. Cục An toàn thực phẩm. Sử dụng rau củ quả tươi thêa nào cho an toàn. //vfa.gov.vn/thuc-pham-va-suc-khoe/su-dung-rau-cu-qua-tuoi-the-nao-cho-an-toan.html
  5. Trung tâm Giáo dục Truyền thông dinh dưỡng – Viện Dinh dưỡng quốc gia. Chuyên gia dinh dưỡng gợi ý vitamin cần thiết để khỏe mạnh giữa dịch nCoV.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *