Như chúng ta đã biết, sữa và các chế phẩm từ sữa (sữa chua, phô mai, kem chua, kem tươi, …) là những thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao, giúp phòng chống bệnh tật và quen thuộc với mọi gia đình, mọi lứa tuổi. Tổ chức nông nghiệp và lương thực (FAO) nhấn mạnh sữa là cách để giúp mọi người thuộc các thành phần dân số đáp ứng nhu cầu cơ thể về canxi, magie, selen, Vitamin B2, vitamin B12 và axit pantotenic.
Trước tình hình dịch bệnh hiện nay, Bộ Y tế khuyến khích người dân áp dụng công thức dinh dưỡng 4 – 5 – 1 vào bữa ăn hàng ngày bên cạnh việc tăng cường vận động và giữ gìn vệ sinh cá nhân cũng như môi trường sống, để mỗi người sẽ là “một lá chắn thép” vững chắc trong công cuộc chiến đấu với COVID-19.Mỗi bữa ăn hàng ngày có ít nhất 5 nhóm trong 8 nhóm thực phẩm, trong đó, nhóm sữa và các chế phẩm từ sữa là thực phẩm cần có.
Hình 1: Công thức dinh dưỡng 4-5-1 tăng cường sức khỏe trong mùa dịch.
(Nguồn ảnh: Bộ Y tế)
Tuy nhiên, các loại thực phẩm từ sữa này nếu không tuân thủ các nguyên tắc trong sử dụng và bảo quản thì sẽ dễ hư hỏng và có nguy cơ gây các bệnh truyền nhiễm hoặc ngộ độc thực phẩm.Để bảo đảm an toàn khi chọn mua, sử dụng và bảo quản sữa cũng như các chế phẩm từ sữa, người tiêu dùng cần lưu ý các vấn đề sau:
Chọn mua sữa và các chế phẩm từ sữa: Khi mua các loại sữa và các chế phẩm từ sữa được đóng hộp, đóng gói…., chúng ta cần chú ý đến thời gian sản xuất hay hạn sử dụng. Ngoài ra cũng cần xem kỹ để đảm bảo sản phẩm có bao bì còn nguyên vẹn, không bị móp méo, không phồng, gỉ, hoặc vết lõm. Chọn mua sản phẩm ở những cửa hàng đáp ứng điều kiện đảm bảo an toàn như: Sản phẩm được đặt ở nơi thoáng mát, không bày trực tiếp dưới ánh nắng mặt trời, không đặt quá nhiều thùng sữa chồng lên nhau hay nhiều thùng sản phẩm khác chồng lên thùng sữa; đối với sản phẩm sữa chua thì phải bảo đảm điều kiện bảo quản theo yêu cầu của nhà sản xuất.
Sử dụng và bảo quản:Tùy theo từng loại sữa và các sản phẩm từ sữa mà chúng ta có cách sử dụng và bảo quản khác nhau:
- Đối với sữa tươi:
Như chúng ta đã biết sữa tươi là một sản phẩm giàu dinh dưỡng. Sữa mới vắt ra ở nhiệt độ 35-37oC và dù có tuân thủ chặt chẽ điều kiện vệ sinh vắt sữa đến đâu thì trong sữa vẫn luôn có một lượng vi khuẩn nhất định.
Các vi khuẩn này phát triển và nhân lên nhanh chóng, làm cho sữa bị chua và hỏng. Chính vì vậy, trong vòng 1 giờ sau khi vắt, sữa phải được chế biến hoặc phải được bảo quản lạnh ở nhiệt độ 2 – 5oC (có thể giữ sữa tươi được 1 – 2 ngày).
Trên thị trường sữa tươi hiện nay có 2 loại là sữa tươi thanh trùng và sữa tươi tiệt trùng. Sữa tươi thanh trùng thường được đóng trong chai nhựa hoặc túi nilông, thời gian sử dụng ngắn, thường 3 – 7 ngày với điều kiện luôn luôn được bảo quản lạnh thì sữa mới không bị hỏng.
Sữa tươi tiệt trùng theo phương pháp hiện đại chứa trong hộp giấy thì không cần giữ lạnh trước khi mở hộp, nhưng sau khi mở hộp thì phải bảo quản trong tủ lạnh và dùng hết trong vòng 48 giờ. Nếu sữa vắt ra chỉ được nấu sôi tiệt trùng theo phương pháp thủ công tại hộ gia đình và chứa trong chai với nút đậy sơ sài thì nên trữ lạnh và dùng hết trong vòng 24 giờ.
Chú ý để đảm bảo an toàn vệ sinh, thời gian nấu sôi sữa tươi phải đủ 30 phút, chai đựng phải rửa sạch và luộc trước khi đựng sữa.
Với sữa thanh trùng, nên bảo quản sữa trong ngăn mát tủ lạnh và ở nơi tối nhất có thể. Sữa tiệt trùng (khi chưa mở hộp) thì có thể để ở nơi thoáng mát.
Một lưu ý quan trọng nữa là không nên để sữa gần với các loại ánh sáng như ánh nắng hay bóng đèn, kể cả bóng đèn trong tủ lạnh.
Hình 2: Khi để trong tủ lạnh, bạn cũng cần đậy chặt nắp sữa mỗi khi dùng xong.
(Nguồn ảnh: Kênh 14.vn)
Khi để trong tủ lạnh, bạn cũng cần đậy chặt nắp sữa mỗi khi dùng xong, bởi sữa rất dễ bị nhiễm khuẩn
Một điểm nữa là sữa khi đã rót ra khỏi chai/hộp và dùng không hết, bạn không nên rót trở lại vào hộp. Cách tốt nhất là hãy đổ sữa vào bát và dùng màng bọc kín lại, cất vào tủ lạnh. Khi cần, lấy phần sữa tươi này ra dùng vẫn cho chất lượng rất thơm ngon.
Với những cách bảo quản đơn giản trên đây, chúng ta sẽ giữ được hương vị thơm ngon của sữa tươi. Đồng thời, uống 2 – 3 ly mỗi ngày, cơ thể chúng ta sẽ được cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng, vitamin và khoáng chất để luôn khỏe mạnh.
- Đối với sữa bột (sữa công thức):
Sữa công thức là một trong những sản phẩm dinh dưỡng đặc biệt, đòi hỏi những yêu cầu khắt khe về quá trình sản xuất, phân phối, bảo quản và sử dụng
Theo PGS.TS Lê Bạch Mai- Nguyên Phó Viện Trưởng Viện Dinh Dưỡng Quốc Gia đã đưa ra những lời khuyên hữu ích giúp sử dụng và bảo quản sữa: “Khi pha sữa, trước tiên, cần phải đọc kỹ hướng dẫn. Hướng dẫn trên từng hộp sữa chính là hướng dẫn chuẩn nhất cho từng loại sữa cụ thể. Nên pha đúng như hướng dẫn của nhà sản xuất về số lượng muỗng sữa và số mililit nước thì sẽ được sữa dạng lỏng pha chuẩn. Tốt nhất là sữa được dùng hết ngay sau mỗi lần pha (Sữa pha của bữa nào thì nên uống hết trong bữa đó).Các bậc phụ huynh cố gắng đánh giá đúng khả năng uống sữa của bé để pha bao nhiêu sữa thì bé uống hết bấy nhiêu. Trong 1 số trường hợp, nếu lỡ pha lượng sữa còn dư thừa nhiều hơn so với lượng sữa mà bé uống được thì nên cất giữ lượng sữa dư (tốt nhất là sẻ riêng trước khi bắt đầu bữa sữa) trong ngăn mát tủ lạnh để sử dụng cho bữa sau và không nên để lâu quá 4 tiếng. Trước khi sử dụng sữa được bảo quản lạnh, nên làm ấm sữa bằng cách ngâm vào bát nước ấm hoặc sử dụng bình hâm nóng sữa, tuyệt đối không dùng lò vi sóng”.
Cũng theo BS Lê Bạch Mai cũng chia sẻ thêm về những điều cần lưu ý trong quá trình bảo quản sữa: “Sau khi mở hộp sữa, các mẹ chú ý không nên sử dụng quá 3 tuần và đậy nắp hộp sữa thật kín sau mỗi lần pha sữa. Ngoài ra, không nên bảo quản hộp sữa bột đã mở nắp trong tủ lạnh. Vì ngăn mát của tủ lạnh có độ ẩm rất thấp, khi các bậc phụ huynh mang hộp sữa ra khỏi tủ lạnh để lấy sữa pha cho bé thì đấy lại là cơ hội để sữa bột hút ẩm ngoài không khí làm sữa dễ bị vón cục. Đối với sữa bột chỉ cần bảo quản ở môi trường thoáng mát, tránh côn trùng xâm nhập, không nên cất giữ ở những nơi quá nóng hoặc gần bếp chế biến thực phẩm.”
Đặc biệt, khi gặp những vấn đề nghi ngại về chất lượng sản phẩm, người tiêu dùng có thể liên hệ trực tiếp với bộ phận chăm sóc khách hàng hay hotline của hãng sản xuất để có được thông tin chính thức.
Các hãng sữa uy tín đều rất coi trọng từng phản ánh của khách hàng. Với kinh nghiệm lâu năm, phương tiện hiện đại, thông tin xác thực, nhà sản xuất có thể cùng với người tiêu dùng xác định nguyên nhân cụ thể cho từng trường hợp riêng biệt.
- Đối với sữa chua ( Yaourt):
Sữa chua là sản phẩm có nguồn gốc thiên nhiên có hương vị thơm ngon nên thích hợp với mọi thành viên trong gia đình bạn. Rất nhiều trẻ nhỏ và người lớn tuổi yêu thích sữa chua bởi đây là món ăn mềm, vị béo ngọt dịu, lại còn thân thiện với đường ruột!
Cách bảo quản sữa chua hợp lý
Ngăn mát tủ lạnh với nhiệt độ từ 6 – 8 độ C là điều kiện lý tưởng để sữa chua đạt được độ mịn và dẻo hoàn hảo đồng thời giữ được dưỡng chất lâu hơn. Sau khi mua sữa chua về, bạn nhớ nhắc cả nhà dùng hết trong vòng 1 tuần để tận hưởng dưỡng chất và hương vị tươi ngon nhất của sữa chua nhé.
Một lưu ý nhỏ là bạn không nên để sữa chua ở nhiệt độ thường vì trong điều kiện này, sữa chua sẽ bị lỏng và nhanh chóng giảm chất lượng. Ngoài ra, bạn cũng nên hạn chế bảo quản sữa chua ở tình trạng đông đá vì dễ gây viêm họng, đặc biệt là với trẻ nhỏ.
Cả gia đình không nên ăn sữa chua lúc bụng đang đói, thời điểm thích hợp là sử dụng sau bữa ăn khoảng 30 phút đến 1 tiếng
Sữa chua có thể sử dụng kết hợp với thực phẩm nào?
– Những loại trái như dâu, chuối, xoài,… cả tươi và khô, khi trộn chung với sữa chua ở dạng xay nhuyễn hoặc cắt nhỏ, sẽ tạo ra món ăn thơm ngon khó cưỡng.
– Nhóm món ăn có tinh bột, ví dụ như cơm, mỳ, bánh bao, bánh mỳ,… Sau khi ăn những món này, bạn ăn sữa chua như một món tráng miệng để giúp tiêu hóa và hấp thu tốt dinh dưỡng từ món ăn chính.
- Đối với phô mai:
– Phô mai tươi : Phô mai tươi phải luôn được cất trong tủ lạnh và bạn nên sử dụng chúng trong vòng từ 4 đến 10 ngày. Cách bảo quản phô mai tốt nhất là nên giữ chúng trong bao bì đóng gói còn nguyên vẹn, để vào trong hộp và bảo quản trong ngăn mát trên cùng của tủ lạnh.
– Pho mai tươi tốt nhất là nên cất vào ngăn mát trên cùng của tủ lạnh.
– Phô mai cứng và bán cứng: Phô mai bán cứng được treo trong tủ mát vài ngày trước khai được đóng gói trong túi tiệt trùng, được hong gió để tạo nên một lớp vỏ nhằm bảo vệ phần phô mai bên trong. Quá trình lão hóa của dừng lại khi nó được đóng gói, nhưng sẽ tiếp tục khi được mở ra để sử dụng. Cách để bảo vệ phô mai cứng tốt nhất là bọc chặt chúng bằng giấy gói phô mai hoặc giấy sáp không thấm nước sau đó dán kín bằng băng keo hoặc cột thun.
– Phô mai cứng: luôn giữ phô mai cứng trong tủ lạnh từ 4 đến 6 độ.
Phô mai cứng có thể sử dụng trong vòng nhiều năm. Lý do là bởi chúng khô hơn nhiều so với các loại phô mai mềm khác. Phô mai sẽ được quản ở 6 độ C, nhưng trước khi ăn bạn nên làm mềm chúng ở nhiệt độ phòng một lúc nhé (đến khi nhiệt độ của phô mai đặt khoảng 20 độ C là được).
Đừng để phô mai của bạn “đổ mồ hôi”! Sau một thời gian ngắn ở bên ngoài tủ lạnh, bạn sẽ thấy phô mai của chúng ta bắt đầu “đổ mồ hôi”, hay nói chính xác là các giọt chất lỏng bám bên ngoài lớp vỏ phô mai.
Đây là chất béo tự nhiên của phô mai bắt đầu chảy ra khi gặp nhiệt độ cao. Nếu bạn gặp hiện tượng này, hãy làm sạch bề mặt của phô mai bằng khăn giấy và đặt lại vào tủ lạnh. Nhiệt độ làm phô mai bắt đầu tan chảy là từ 18 độ, nếu như không ngăn chặn quá trình này thì lớp dầu tiết ra sẽ dần dần bị chua làm biến đổi hương vị của phô mai, đặc biệt là lớp bề mặt bên ngoài.
Nguồn:
- Bộ Y tế
- Tổ chức lương thực và nông nghiệp Liên Hiệp Quốc. Sữa và sản phẩm từ sữa trong dinh dưỡng con người.
- //suckhoedoisong.vn
- //vietnamnet.vn/
- //www.vinamilk.com.vn/
- //www.ottimacheese.com/