10 lời khuyên dinh dưỡng trong mùa dịch COVID

Sức đề kháng tốt là chìa khóa để bảo vệ cơ thể khỏi sự tấn công của các virut gây bệnh. Thực hiện tốt các lời khuyên dinh dưỡng dưới đây giúp bạn có một cơ thể khỏe mạnh, tránh xa dịch bệnh.

  1. Ăn đủ 3 bữa mỗi ngày, ăn thêm các bữa phụ để đảm bảo năng lượng và các chất dinh dưỡng mà cơ thể cần. Với trẻ dưới 2 tuổi, duy trì chế độ bú mẹ kết hợp với các bữa ăn bổ sung hợp lý theo hướng dẫn.
  2. Tăng cường các thực phẩm giàu đạm như: thịt, cá, trứng, tôm, cua, sữa, đậu đỗ… để duy trì hệ thống miễn dịch, giúp cơ thể khỏe mạnh.
  3. Ăn nhiều rau quả tươi các loại như: rau lá có màu xanh đậm, củ quả có màu vàng và đỏ, quả chín. Rau quả cung cấp nhiều vitamin và chất khoáng, giúp cơ thể khỏe mạnh và tăng khả năng đề kháng chống lại nhiễm khuẩn.
  4. Không ăn kiêng nếu không có chỉ định của thầy thuốc, cố gắng ăn nhiều loại thực phẩm khác nhau trong 1 bữa và trong 1 ngày.
  5. Hạn chế ăn các thực phẩm có hại cho cơ thể (thực phẩm ăn liền; thức ăn chế biến sẵn có chứa nhiều mỡ động vật, đường, hoặc nhiều muối; thực phẩm để quá lâu không còn tươi…). Đảm bảo thức ăn phải được nấu chín và tốt nhất là ăn ngay sau khi nấu.
  6. Uống đủ lượng nước theo nhu cầu (mỗi ngày từ 2-2.5 lít, ít nhất 1,5 lít), nên uống nước ấm. Chú ý không chờ tới lúc khát mới uống, thay vào đó uống thường xuyên mỗi lần một chút cho vừa đủ. Có thể bổ sung thêm các loại nước hoa quả, không cho thêm đá và đường khi sử dụng.
  7. Với phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, người già, có thể sử dụng thêm các loại đa vi chất dinh dưỡng (viên đa vi chất, bột đa vi chất) hoặc các sản phẩm được làm giàu dinh dưỡng khác theo tư vấn của nhân viên y tế.
  8. Bảo quản thực phẩm sống, chín trong các dụng cụ chứa khác nhau và ở các vị trí khác nhau.
  9. Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy trước và sau khi chế biến thức ăn, trước và sau khi ăn, sau khi đi vệ sinh. Không sờ tay lên mắt, mũi, miệng để hạn chế nhiễm mầm bệnh.

Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng trước, trong và sau khi chế biến thức ăn để hạn chế nhiễm mầm bệnh.

  1. Duy trì vận động và các hoạt động thể lực. Hạn chế uống rượu bia, tránh tụ tập đông người để phòng nhiễm bệnh.

Bên cạnh đó, một số tư vấn sức khỏe dành cho người chế biến thực phẩm phòng chống COVID-19:

  1. Vệ sinh cá nhân
  • Đo thân nhiệt hàng ngày trước khi làm việc;
  • Dừng tham gia vào công việc chế biến thực phẩm khi bị nghi ngờ nhiễm hoặc nhiễm các bệnh truyền nhiễm, hay có biểu hiện của bệnh như: sốt, bệnh hô hấp, đột ngột mất vị giác, tiêu chảy, nôn, vàng da, đau họng và đau bụng. Cần đeo khẩu trang và đến khám bác sỹ kịp thời;
  • Ho hoặc hắt hơi cần che miệng và mũi bằng khăn giấy và vứt tờ giấy đã sử dụng thùng rác. Sau đó rửa tay bằng xà phòng và nước. Cần nghỉ làm nếu có các triệu chứng về đường hô hấp;
  • Thực hành vệ sinh cá nhân tốt – thường xuyên rửa tay: sau khi thực hiện dọn vệ sinh, sau khi chế biến, sau khi đi vệ sinh, sau khi chạm vào các thiết bị công cộng như tay vịn hoặc nắm cửa, trước và sau khi chế biến thực phẩm, và trước khi tiếp xúc vào bộ phận miệng, mũi hoặc mắt. Rửa tay bằng xà phòng và nước, xoa rửa tay ít nhất 20 giây. Sau đó rửa sạch bằng nước sạch và lau khô bằng khăn giấy dùng 1 lần;
  • Khi tay đã được rửa sạch, không chạm tay trực tiếp vào vòi nước (ví dụ sử dụng khăn giấy quấn vòi trước khi tắt).
  1. Trang phục bảo vệ cá nhân
  • Khi chế biến thực phẩm đông lạnh, nhân viên chế biến cần phải được trang bị khẩu trang, thiết bị bảo vệ mắt (như tấm che mặt), găng tay và áo choàng ngoài;
  • Găng tay khi bị hỏng, bẩn hoặc thoát bỏ khi có gián đoạn trong quá trình làm việc cần phải vứt bỏ. Cần phải thay găng tay thường xuyên, và phải rửa tay sạch sẽ giữa các lần thay găng tay. Không chạm vào miệng, mũi và mắt sau khi đeo găng tay.
  1. Vệ sinh môi trường
  • Đảm bảo môi trường làm việc thông gió đầy đủ và chức năng thoát nước đạt chuẩn;
  • Tăng cường làm sạch và khử trùng thường xuyên, bằng cách sử dụng chất tẩy trắng pha loãng tỷ lệ 1và 99 (nghĩa là pha loãng bằng cách trộn một phần chất tẩy trắng với 99 phần nước) đối với một số khu làm việc, bao gồm:

+ Nhà bếp, phòng ăn, phòng rửa chén, nhà vệ sinh (bao gồm vòi nước và tay cầm bồn cầu) và khu vực ngồi nghỉ;

+ Bàn chế biến, tường và dụng cụ trong cơ sở – Phương tiện vận chuyển – Tủ lạnh và tủ đông – Các điểm tiếp xúc cao (ví dụ: tay nắm cửa, tay cầm của tủ lạnh / tủ đông, v.v.);

+ Ngoài các chất khử trùng gốc clo (sodium hypoclorit), các hợp chất amoni bậc bốn (QUATS) có thể được sử dụng để khử trùng các bề mặt tiếp xúc với thực phẩm, hộp đựng và khay đựng thực phẩm. Các chất khử trùng gốc cồn (etanol, propan-2-ol, propan-1-ol) đã được chứng minh có tác dụng giảm đáng kể khả năng lây nhiễm của các vi rút như SARS-CoV-2, ở nồng độ 70-80% với thời gian tiếp xúc một phút.

  • Cùng với việc rửa tay đối với nhân viên thực phẩm là quan trọng, thì nước khử trùng rửa tay có thể sử dụng để khử trùng bề mặt thực phẩm nếu cần;
  • Pha tỷ lệ 1 phần chất tẩy trắng và 49 phần nước pha loãng sử dụng cho những nơi bị nhiễm chất thải đường hô hấp, chất nôn hoặc phân.
  1. Giãn cách vật lý

Chủ cơ sở kinh doanh thực phẩm nên tạo điều kiện thuận lợi cho nhân viên bị bệnh hoặc các triệu chứng của bệnh tật được tư vấn y tế kịp thời và xét nghiệm COVID-19 nếu được chỉ định. Họ cũng nên thực hiện các biện pháp sau để duy trì khoảng cách giữa những người xử lý thực phẩm đông lạnh trong quá trình làm việc:

  • Đảm bảo khoảng cách vật lý thích hợp giữa những người xử lý thực phẩm trong quá trình làm việc hoặc có các rào chắn vật lý thích hợp tại chỗ (ví dụ: các vách ngăn để giảm sự gặp gỡ trực tiếp giữa những người xử lý thực phẩm);
  • Thiết kế lại quy trình làm việc và thiết kế (ví dụ: chỉ thiết lập bàn làm việc ở một phía của dây chuyền sản xuất để giảm thiểu việc chạm mặt trực tiếp giữa những người xử lý thực phẩm; giới hạn số lượng nhân viên chế biến thực phẩm; chia nhân viên thành các nhóm khác nhau để giảm bớt các cuộc trò chuyện bằng lời nói và tiếp xúc va chạm giữa các nhóm, v.v.);
  • Trưng bày các áp phích và thêm các nhãn hiệu tại nơi làm việc để nhắc nhở những người chế biến thực phẩm về khoảng cách vậy lý. Ấn định giờ làm việc khác nhau và giờ ăn linh hoạt cho người chế biến thực phẩm.

Nguồn: Bộ Y tế

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *